Deprecated: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in /home/cusplxoy/public_html/includes/countries.php on line 10
Hoàn thiện chế định xử lí tài sản tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 - Thanh tra thành phố Tam Kỳ
11:58 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Phòng chống tham nhũng

Quang cao giua trang

Hoàn thiện chế định xử lí tài sản tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ bảy - 29/07/2023 21:37
Tóm tắt: Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua cho thấy, bên cạnh việc phòng, chống hay xử lý chủ thể có hành vi tham nhũng thì các quy định của pháp luật về xử lý phần tài sản do hành vi tham nhũng gây ra cũng cần được hoàn thiện. Trong bài viết này, nhóm tác giả tập trung phân tích những quy định về tài sản tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và đề xuất giải pháp hoàn thiện chế định này.
1. Khái niệm “tài sản tham nhũng”
Khái niệm “tài sản” có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “tài sản là của cải vật chất dùng để sản xuất hoặc tiêu dùng”[1], còn theo Từ điển Luật học, “tài sản là các vật có giá trị bằng tiền và là đối tượng của quyền tài sản và các lợi ích vật chất khác”[2]. Ngoài ra, trong sách Thuật ngữ pháp lý giải thích chi tiết hơn: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền về tài sản. Tài sản có hai loại: bất động sản và động sản”[3].
Về mặt pháp lý, theo quy định của Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN) thì “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Kết hợp giữa hai khái niệm tài sản và tham nhũng, khoản 3 Điều 3 Luật PCTN quy định: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”.
Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm “tài sản tham nhũng” ở Việt Nam còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Nếu nhìn nhận dưới góc độ quan hệ nhân quả thì có quan điểm cho rằng, tài sản tham nhũng là những tài sản có nguồn gốc phái sinh, là kết quả của hành vi tham nhũng, là tài sản trực tiếp có được do hành vi tham nhũng gây ra, bao gồm các loại tài sản có được từ hành vi tham nhũng nhưng đã được người thực hiện hành vi tham nhũng và người khác hợp pháp hóa để đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch” (gọi là rửa tiền), hay để trả các khoản nợ, vay cũ tại các ngân hàng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân; kể cả dùng vào mục đích từ thiện như xây bệnh viện, trường học, đền thờ, miếu mạo…[4]. Quan điểm thứ hai cho rằng, tài sản tham nhũng là tài sản không trực tiếp có được do thực hiện các hành vi bị xem là tội phạm tham nhũng mà có được do lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay lạm quyền trong khi thi hành công vụ để gây ảnh hưởng đối với người khác; do giả mạo trong công tác; do đưa hối lộ, môi giới hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, địa phương; do lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của nhà nước[5].
Ở Việt Nam, khái niệm về tài sản tham nhũng vẫn chưa rõ và hẹp hơn so với quy định của quốc tế. Cụ thể, theo điểm d Điều 2 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC)[6], tài sản (tài sản tham nhũng) được định nghĩa là “mọi loại tài sản, vật chất hay phi vật chất, động sản hay bất động sản, hữu hình hay trừu tượng, và các văn bản pháp lý hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó”. Ngoài ra, theo Điều 31 của UNCAC thì tài sản tham nhũng là “những tài sản có nguồn gốc từ tội phạm được quy định theo Công ước này hoặc tài sản có giá trị tương đương với giá trị của tài sản do phạm tội mà có” (khoản 1(a)) và “tài sản, trang thiết bị hay công cụ khác được sử dụng hoặc sẽ được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của Công ước này” (khoản 1(b)). Bên cạnh đó, tại khoản 6 Điều 31 cũng quy định tài sản tham nhũng là “thu nhập hoặc những lợi ích khác có được từ tài sản do phạm tội mà có, từ tài sản được biến đổi hoặc chuyển đổi từ tài sản do phạm tội mà có hoặc từ tài sản mà trong đó lẫn lộn một phần là tài sản do phạm tội mà có…”. Như vậy, theo các quy định này của UNCAC thì tài sản tham nhũng có thể là hữu hình hoặc vô hình, có được một cách trực tiếp từ hành vi tham nhũng, hoặc gián tiếp thông qua hành vi rửa tiền tham nhũng.
Để phù hợp hơn với những quy định của Luật quốc tế, Luật PCTN cần sửa đổi theo hướng phân định rạch ròi giữa tài sản trực tiếp có được từ hành vi tham nhũng (tham ô, nhận hối lộ) với tài sản có được từ hành vi tham nhũng nhưng không trực tiếp (môi giới cho hành vi hối lộ).
2. Bất cập trong xử lý tài sản tham nhũng và một số kiến nghị
Khái niệm “Xử lý tài sản tham nhũng”, xét ở khía cạnh ngôn ngữ học thì cụm từ “xử lý” được hiểu là việc “xem xét, giải quyết một vụ việc nào đó”[7]. Mặt khác, từ khái niệm “tài sản tham nhũng” đã nêu trên, có thể khẳng định rằng “xử lý tài sản tham nhũng” được hiểu là việc xem xét, giải quyết các tài sản có được từ hành vi tham nhũng. Hay nói cách khác, có thể nhìn nhận là việc thu hồi, trả lại những tài sản bị hành vi tham nhũng chiếm hữu một cách bất hợp pháp cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của những tài sản đó.
Điều 91 Luật PCTN có quy địnhhợp tác quốc tế về xử lý tài sản tham nhũng là thu hồi tài sản tham nhũng trên cơ sở Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam. Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng.
“Xử lý tài sản tham nhũng” còn được quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật PCTN, theo đó: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật” đối với thiệt hại phát sinh do hành vi tham nhũng gây ra. Đồng thời, Luật PCTN cũng ghi nhận tại khoản 2 Điều 93: “Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Từ những quy định này, có thể nhận thấy, chế định về xử lý tài sản tham nhũng có những điểm bất cập sau:
Thứ nhất, bất cập trong khái niệm tài sản tham nhũng. Như đã phân tích trên, do chưa có sự thống nhất về khái niệm tài sản tham nhũng nên việc phát hiện, điều tra và xác định tài sản tham nhũng đã bị chiếm đoạt, cất giấu, hợp pháp hóa hoặc việc điều tra, xác định thiệt hại do tội phạm về tham nhũng còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do sự khác biệt về ý chí của từng cơ quan điều tra cụ thể dẫn đến việc xác minh các tài sản tham nhũng trong vụ án chưa được đầy đủ so với thực tế[8]. Do đó, theo nhóm tác giả, trước hết cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết về tài sản tham nhũng và những đặc điểm để nhận diện loại tài sản này.
Thứ hai, về vấn đề khắc phục, bồi thường thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra. Luật PCTN quy định việc khắc phục, bồi thường thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra cũng được đồng thời quy định trong nội dung về xử lý tài sản tham nhũng. Chế định xử lý tài sản tham nhũng tại Điều 93 Luật PCTN dường như chỉ đóng vai trò định hướng áp dụng chứ chưa thật sự đi sâu vào những khía cạnh cụ thể của việc xử lý tài sản tham nhũng. Luật PCTN dường như chỉ đóng vai trò là “vẽ lên” nguyên tắc, thiếu những quy định thực thi cụ thể[9]. Theo nhóm tác giả, cách quy định này là chưa hợp lý vì nếu xem xử lý tài sản tham nhũng là việc thu hồi, trả lại những tài sản bị tham những cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp thì xử lý tài sản tham nhũng sẽ không bao hàm khắc phục, bồi thường thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra do việc khắc phục, bồi thường thiệt hại chỉ là một trong những hệ quả được phái sinh từ việc thực hiện hành vi tham nhũng. Hay nói cách khác, nghĩa vụ khắc phục, bồi thường thiệt hại chỉ là một nghĩa vụ phụ, có thể có hoặc không có trong từng vụ việc cụ thể. Do đó, nên chăng Luật PCTN cần quy định rõ về xử lý tài sản tham nhũng và khắc phục, bồi thường thiệt hại do tham nhũng gây ra theo hướng quy định khắc phục, bồi thường thiệt hại thành một chương riêng bao gồm xác định mức độ thiệt hại, trình tự thủ tục do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành xử lý, thẩm quyền xử lý đối với các loại tài sản trong lĩnh vực cụ thể là dân sự, hình sự, hành chính chứ không nên gộp vào khoản 2 của Điều 93 về xử lý tài sản tham nhũng.
Thứ ba, vấn đề khấu trừ chi phí cho việc xử lý tài sản tham nhũng. Luật PCTN chưa ghi nhận việc khấu trừ chi phí trong quá trình xử lý tài sản tham nhũng. Trên thực tế, việc các chủ thể thực hiện các hành vi, giao dịch nhằm tẩu tán, “hợp pháp hóa” tài sản có được do hành vi tham nhũng ngày càng diễn biến theo hướng tinh vi, khó phát hiện hơn, kéo theo việc xác minh, điều tra, xử lý những loại tài sản này cũng ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Do vậy, theo nhóm tác giả, Luật PCTN thiếu quy định về khấu trừ chi phí cũng là bất cập của chế định xử lý tài sản tham nhũng. Đối chiếu với Luật quốc tế, theo khoản 2 Điều 57 của Công ước về chống tham nhũng năm 2003 của Liên hợp quốc thì “Khấu trừ chi phí cho việc xử lý tài sản tham nhũng được áp dụng khi thích hợp, trừ trường hợp các quốc gia thành viên quyết định khác, quốc gia được yêu cầu có thể khấu trừ các chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử để dẫn đến việc trả lại hay định đoạt tài sản bị tịch thu theo Điều này”. Từ quy định này, mặc dù có một số điểm khác biệt ở khía cạnh chủ thể áp dụng[10] nhưng có thể làm cơ sở hoàn hiện pháp luật Việt Nam về xử lý tài sản tham nhũng.
Thứ tư, về quy trình xử lý tài sản tham nhũng. Luật PCTN chưa ghi nhận quy trình xử lý tài sản tham nhũng. Theo nhóm tác giả, cần thiết ban hành một quy trình xử lý tài sản tham nhũng để đảm bảo việc xử lý tài sản tham nhũng được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Đối chiếu quy trình xử lý tài sản tham nhũng ở một số quốc gia trên thế giới, theo quy định của pháp luật Úc[11] thì các trường hợp, quy trình xử lý tài sản tham nhũng được quy định như sau: (i) điều tra hành vi trái pháp luật và xác định tài sản; (ii) thu giữ tài sản thông qua lệnh của Tòa án trong khi chờ đợi kết quả các thủ tục tố tụng pháp lý; (iii) tịch biên hoặc tịch thu tài sản; (iv) tiến hành thanh lý tài sản đã bị tịch thu. Từ đóLuật PCTNcần thiết quy định về khám xét điện tử, thu thập thông tin từ các nguồn thông tin công cộng, nhân chứng, bảo quản tài sản, tố tụng tại Tòa án có thể tịch thu hình sự hoặc tịch thu không dựa trên phán quyết của Tòa án, tìm kiếm bằng chứng chứng minh mối quan hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội hoặc chứng minh có được từ hành vi phạm tội, thu hồi tài sản thông qua hình thức kết án, thu hồi tài sản thông qua hình thức kết tội, thu hồi tài sản thông qua thủ tục hành chính, thu hồi tài sản thông qua thủ tục dân sự[12]Mục 6 Chương 2 Luật PCTN cần bổ sung quy trình tịch thu tài sản đối với người có tài sản tăng lên bất thường và bị tình nghi có hành vi tham nhũng hoặc liên quan tới tham nhũng không chứng minh được nguồn gốc tài sản.
Thứ năm, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử lý tài sản tham nhũng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) quy định về thu hồi tài sản nói chung, trong đó có thu hồi tài sản tham nhũng. Điều này được thể hiện ở các quy định về áp dụng hình phạt tiền[13], tịch thu tài sản và các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội, trong đó có cả phạm tội do hành vi tham nhũng gây ra[14].
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về thu hồi tài sản tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng được áp dụng như đối với các trường hợp thu hồi tài sản khác. Trong trường hợp bị can, bị cáo phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự có thể bị tịch thu tài sản hoặc phạt tiền, người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc kê biên tài sản, phong tỏa tài sản[15]. Đây là biện pháp nhằm bảo đảm cho việc thi hành các quyết định của Tòa án về phạt tiền, tịch thu tài sản, buộc bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự nói chung (vụ án tham nhũng nói riêng)[16].
Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không quy định về thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ luật này quy định về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự đối với tài sản, xác định quyền của chủ sở hữu, chiếm hữu tài sản, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản, quyền sở hữu, quyền thừa kế và quyền khác đối với tài sản[17]. Như vậy, trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp, bị thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra thì chủ sở hữu có quyền áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền đòi lại các tài sản đó và đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại[18].
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định về tài sản tham nhũng mà quy định trình tự, thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý các tài sản trong vụ án dân sự; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự. Đồng thời, quy định này có thể áp dụng trong việc thu hồi tài sản tham nhũng[19].
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) cũng không quy định về thu hồi tài sản tham nhũng. Việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thi hành án dân sự được thực hiện như các trường hợp thi hành án thu hồi tiền hay tài sản khác. Điển hình là thi hành bản án, quyết định của Tòa án về dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định về vụ án hình sự[20].
Thứ sáu, về thẩm quyền xác minh nguồn gốc tài sản. Vấn đề này được Luật PCTN ghi nhận ở Điều 30, Điều 42 và Điều 46, đồng thời còn được hướng dẫn tại Điều 19 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, thẩm quyền xác minh nguồn gốc tài sản thuộc về Tổ xác minh tài sản, thu nhập được thành lập cùng với việc ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập. Việc xác minh này được thực hiện bởi các chủ thể là Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội. Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội[21]. Tòa án nhân dân có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân. Tham khảo quy định từ pháp luật Indonesia, Điều 38 Luật Xóa bỏ tham nhũng Indonesia quy định về việc Tòa án có thẩm quyền xác minh tài sản, có mọi quyền ra lệnh tịch thu tài sản. Để tạo điều kiện cho việc thực thi quy định này trên thực tế, Luật Xóa bỏ tham nhũng của Indonesia quy định chủ tọa của phiên tòa phải mở một phiên tòa đặc biệt nhằm xem xét tính hợp pháp của những tài sản được xác minh[22]. Theo nhóm tác giả, để công tác xét xử trên thực tế diễn ra được nhanh chóng, hiệu quả, pháp luật Việt Nam nên có sự ghi nhận về vai trò của Tòa án trong việc xác minh nguồn gốc của tài sản, nếu cần thiết có thể mở phiên họp để phục vụ công tác xác minh tài sản của đối tượng bị xác minh tài sản./.  
[1] Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (2008), Đại từ điển Tiếng Việt, tr.1417.
[2] Nxb. Từ điển Bách Khoa (2006), Từ điển Luật học, Nxb. Tư pháp Hà Nội; tr.685.
[3] Nguyễn Mạnh Hùng (2011), Thuật ngữ pháp lý, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, tr.384.
[4] Vũ Công Giao, Vũ Thành Cự, Phạm Thị Yến (2021), Thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam, Nghiên cứu Lập pháp số (07), tr.16.
[5] Tlđd 9.
[6] https://www.unodc.org/unodc/en/corruption/tools_and_publications/UN-convention-against-corruption.html.
[8] Trương Minh Mạnh, Đỗ Thành Trường (2015), Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Tạp chí Kiểm sát (24).
[9] Bùi Thị Minh Trang (2016), So sánh quy định vể xử lý tham nhũng trong pháp luật của một số quốc gia châu Á và đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, Nghiên cứu so sánh pháp luật phòng, chống tham nhũng của một số quốc gia châu Á đáp ứng yêu cầu sửa đổi những vấn đề trọng tâm của Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 178.
[10] Công ước Phòng, chống tham nhũng năm 2003 của Liên hợp quốc chủ yếu điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể là quốc gia với nhau; còn Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thì điều chỉnh việc xử lý tài sản tham nhũng dưới góc độ một chủ thể là cơ quan quyền lực nhà nước, chủ thể khác trong quan hệ là một chủ thể thực hiện hành vi phạm tội.
[11] Kỳ Sơn (2016), Kinh nghiệm của Australia về thu hồi tài sản tham nhũng, Tạp chí Kiểm sát (02), tr. 58.
[12] Lê Tiến Sinh (2021), Kinh nghiệm một số nước về thu hồi tài sản tham nhũng, Tạp chí Kiểm sát (10), tr.57.
 
[13] Điều 35, Điều 46, Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự.
[14] Điều 45. Tịch thu tài sản – Bộ luật Hình sự.
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
[15] Tlđd 9.
[16] Điều 37, Điều 125, Điều 128, Điều 129, Điều 262, Điều 368, Điều 437, Điều 438 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
[17] Chương III, VII, XIII, XI Bộ luật Dân sự năm 2015.
[18] Tlđd 9.
[19] Chương III, Chương VII, Chương XIII Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[20] Điều 7, Điều 20, Điều 21, Điều 35, Điều 36, Điều 39, Điều 44 – Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án Dân sự số 13/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018.
[21] Điều 30 Luật 2018.
[22] Yosheph Suardi Sabda, Legal Obstacles to Effective Law Enforcement in Corruption Cases, Asset recovery and mutual legal assistance in Asia and The Pacific, Proceedings of the 6th Regional Seminar on Making International Anti-Corruption Standards Operational, tr. 237.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (478), tháng 03/2023.)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Cơ quan chủ quản: THANH TRA THÀNH PHỐ TAM KỲ- TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ cơ quan: 70 Hùng Vương -Thành phố Tam Kỳ-  Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3810268
Chịu trách nhiệm nội dung: Thanh phố Tam Kỳ. 
Ghi rõ nguồn 'http://thanhtratamky.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.