Deprecated: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in /home/cusplxoy/public_html/includes/countries.php on line 10
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới - Thanh tra thành phố Tam Kỳ
08:15 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Phòng chống tham nhũng

Quang cao giua trang

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Thứ sáu - 06/10/2023 20:52
1. Quá trình phát triển chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Ngay từ những năm đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng về sự xuất hiện của nguy cơ tham nhũng. Người khẳng định: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta” và “tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”[1]. Vì vậy, ngày 27/11/1946, Sắc lệnh số 223 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành đã quy định tội đưa và nhận hối lộ bị phạt khổ sai từ 05 - 20 năm; sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Những quy định này được thực thi hết sức nghiêm minh, bất kể người đó là ai, ở cương vị, hoàn cảnh nào.

Trong Văn kiện Đại hội lần thứ X, Đảng yêu cầu “toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí”[2]. Thể hiện quyết tâm chính trị đó, Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã ra Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây cũng là giai đoạn mà Đảng chủ trương sớm hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, hiệu quả để phòng, chống tham nhũng như chế định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Lần đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã luật hóa cụ thể nội dung này cho nhóm đối tượng là những người có chức vụ, quyền hạn để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để tổ chức thực hiện, đánh dấu sự nhận thức của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết phải kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, cán bộ quản lý - chủ thể hàng ngày thực thi quyền lực công trong tiếp xúc với doanh nghiệp, nhân dân. Có thể nói, đây là một trong những biện pháp hữu hiệu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong điều kiện chúng ta cam kết các điều kiện bảo đảm cho lộ trình ký kết (năm 2003) và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (năm 2009).

Với những bước đi thận trọng nhằm thực hiện phòng, chống tham nhũng gắn với ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội lần thứ XI của Đảng thẳng thắn nhận định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi, gây bức xúc xã hội” và nếu không sớm được khắc phục “...sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”, bởi vì “việc dùng tiền bạc để mua thành tích, che đậy hành vi của mình là khá phổ biến”, “tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương... chưa được khắc phục” đang làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Từ đó, Đảng xác định nhiệm vụ: “Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”[3].

Để khắc phục những bất cập của cơ chế phòng, chống tham nhũng, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất và đưa ra Kết luận về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, xây dựng nhiều giải pháp cụ thể về phòng, chống tham nhũng như việc nâng cao các biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường giáo dục và thực hành văn hóa công vụ...

Để chuẩn bị cho công tác xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng khi bước sang một giai đoạn mới, Thông báo số 116-TB/BCĐTW ngày 14/5/2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được trình tại phiên họp thứ 7 của Ban. Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 để đáp ứng sát hơn các yêu cầu phòng, chống tham nhũng, hạn chế tình trạng tham nhũng vặt, làm rõ hơn quy trình, phương thức kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...

Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp về phòng, chống tham nhũng như: Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng sát với thực tế và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt thống nhất trong quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng...

Đến Đại hội lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định và bổ sung hoàn thiện quan điểm về đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Văn kiện Đại hội lần thứ XII nhấn mạnh, “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”, “công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành”. Tham nhũng thể hiện rõ trên các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; tài chính, ngân hàng... Từ phân tích bối cảnh quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước, Đảng đã xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị. Do đó, Đảng xác định: “Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”[4].

Trên bình diện quốc tế, với nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà chúng ta tham gia ký kết được tiến hành đồng bộ và quyết liệt trên phương diện hoạt động của Chính phủ Việt Nam.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng kế thừa, phát triển các quan điểm chỉ đạo và tiếp tục định hướng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”[5].

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 vào các năm 2007, 2012 đã được đặt ra trên tinh thần chỉ đạo của 04 nhóm văn bản cơ bản: Giải pháp trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, các kết luận, chỉ thị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khóa XI và Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trên cơ sở các định hướng đó, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng có nhiệm vụ tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.

Từ những chủ trương của Đảng bám sát vào thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn này, trên cơ sở đồng thuận của nhân dân, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Đó là sự kết tinh trí tuệ nhân dân, là quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng - một công cuộc khó khăn, gay go, quyết liệt bởi tham nhũng được ví như là giặc nội xâm, chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta và cuộc chiến ấy là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”[6] như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã phát biểu.

Sau hơn một năm có hiệu lực, với những nỗ lực, cố gắng cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/12/2020 thay thế Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Đây cũng là nội dung bắt nhịp với tinh thần chỉ đạo mới của Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030: “... Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ... tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng...”[7].

Với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, ngày 09/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nội dung hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực”[8]. Điều này đặt ra cho các cấp, các ngành từ trung ương đến chính quyền địa phương phải nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng các biện pháp phòng ngừa, đem lại hiệu quả bền vững và ổn định chính trị, bảo đảm chủ quyền nhân dân.

2. Thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

2.1. Kết quả đạt được

Sự nhất quán trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, cùng với hệ thống khung pháp lý dần được hoàn thiện sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được ban hành, trong những năm gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai với những bước chuyển biến rõ rệt.

- Về nhận thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc và một số đề án khác liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng[9]… Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; trình Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 phê duyệt Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”. Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo[10] các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Thông báo Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Về thực thi: Mặc dù có rất nhiều khó khăn do hậu quả từ đại dịch Covid-19, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành đồng bộ trên nhiều hoạt động nổi bật như:

+ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

+ Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới nhiều hình thức góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai sơ kết 05 năm thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng...

- Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn: Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành tại Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022[11]. Thanh tra Chính phủ đã có hướng dẫn và các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được lựa chọn ngẫu nhiên.

- Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng: Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

- Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố[12]: Viện kiểm sát nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 506 vụ/1.332 bị can (trong đó, án mới 450 vụ/1.151 bị can). Đã giải quyết 426 vụ/1.084 bị can (trong đó, truy tố 423 vụ/1.080 bị can, chiếm 99,2% tổng số án đã giải quyết; đình chỉ 03 vụ/04 bị can).

- Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng: Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng; trong đó, số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng; đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).

2.2. Một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn tồn tại một số khó khăn như:

- Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung…

- Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực chưa được phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả còn thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân.

- Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế.

- Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn có hiệu quả, chậm được khắc phục. Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực.

- Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc làm rõ động cơ vụ lợi để chuyển cơ quan điều tra kiến nghị khởi tố về các tội tham nhũng còn nhiều khó khăn.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt. Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có chuyển biến tích cực nhưng chưa đều, vẫn còn một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới

Để khắc phục khó khăn và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đề cao sự gương mẫu, trung thực, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như: Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là văn bản hướng dẫn thống nhất cho hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập; thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước… Xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch tiếp tục thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng, chuẩn bị các điều kiện pháp lý khi Việt Nam bước vào chu kỳ tiếp theo, đó là trách nhiệm thu hồi tài sản, thu nhập khi chủ thể bị kiểm soát không chứng minh được/không đủ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.

Ba là, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Bốn là, tuân thủ kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi gian dối trong kê khai, tẩu tán tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng… Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là cơ quan thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ở các cấp, các ngành, các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng.

Năm là, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cơ quan báo chí - truyền thông và nhân dân trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tóm lại, nhận thức là một quá trình, nhưng từ nhận thức biến thành hành động thực tiễn đòi hỏi có quyết tâm chính trị, có hành lang pháp lý, có sự đồng thuận của nhân dân để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Điều đó mới bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

TS. Nguyễn Thúy Hoa

Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I

 

 

[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 357 - 358.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2006, tr. 128.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2011.

[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr. 211.

[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 193 - 194.

[6]. http://congan.com.vn/tin-chinh/chong-tham-nhung-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-bat-ke-nguoi-do-la-ai_68578.html.

[7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 118 - 119.

[8]. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

[9]. Đề án “Nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về cơ chế thực thi, điều kiện đảm bảo thi hành, tính khả thi và hiệu quả thực hiện của cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”; Đề án “Nghiên cứu khả năng quy định trách nhiệm chứng minh của đối tượng nghi vấn phạm tội trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản”.

[10]. Văn bản số 1669/VPCP-V.I ngày 26/5/2022 của Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

[11]. Văn bản số 2118/VPCP-V.I ngày 29/6/2022 của Văn phòng Chính phủ.

[12]. Theo Văn bản số 3778/VKSNDTC-V5 ngày 07/10/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 389), tháng 9/2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Cơ quan chủ quản: THANH TRA THÀNH PHỐ TAM KỲ- TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ cơ quan: 70 Hùng Vương -Thành phố Tam Kỳ-  Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3810268
Chịu trách nhiệm nội dung: Thanh phố Tam Kỳ. 
Ghi rõ nguồn 'http://thanhtratamky.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.