Deprecated: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in /home/cusplxoy/public_html/includes/countries.php on line 10
Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử - Thanh tra thành phố Tam Kỳ
01:34 EDT Thứ tư, 08/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức » Tin pháp luật

Quang cao giua trang

Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

Thứ ba - 11/07/2023 21:54
Sau hơn 17 năm đi vào đời sống, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải được sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong tình hình mới, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số của quốc gia theo định hướng mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và các hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử

Ngày 22/6/2023, tại Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), với 468/477 phiếu tán thành (đạt tỷ lệ 94,74%). Việc thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực, ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.

Bài viết, giới thiệu một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật.

1. Một số điểm mới của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 07 chương và 54 điều, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật sửa đổi có một số điểm mới so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005, như: Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chứng thư điện tử; chuyển nhượng chứng thư điện tử; yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử; chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy… Cụ thể:

Một là, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số.

Hai là, về phạm vi điều chỉnh. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dụng, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Ba là, về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử. Luật quy định: (i) Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử; (ii) Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, tỉnh thành phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công; (iii) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dụng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật.

Bốn là, về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định và điều chỉnh việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định nội dụng, điều kiện, phương thức của giao dịch. Đồng thời, để thống nhất với phạm vi điều chỉnh, các quy định về công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự, lưu trữ điện tử tại các điều 9, 13 và 19 của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ dẫn chiếu mà không quy định cụ thể để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

Năm là, về chữ ký điện tử. Theo khoản 11 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký, xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó với thông tin trong thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu thì lúc đó mới được coi là chữ ký điện tử.

Thời gian qua, các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như: chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn (SMS)... không được coi là chữ ký điện tử. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động nghiệp vụ trong ngành ngân hàng, hải quan... và nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử, khoản 4 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã quy định việc sử dụng các hình thức xác nhận này được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Sáu là, về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại. Điều 15 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã quy định yêu cầu chuyển đổi cần đáp ứng và giao Chính phủ quy định chi tiết, thể hiện như trong Luật, phù hợp với thực tiễn hoạt động, nghiệp vụ của ngành ngân hàng, hải quan.

Bảy là, về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử (từ Điều 43 đến Điều 47). Luật cũng quy định các bộ, ngành sẽ công bố dữ liệu mở cửa của ngành, lĩnh vực của mình. Để bảo đảm tính linh hoạt, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết, phân loại rõ dữ liệu mở của cơ quan Nhà nước.

Tám là, về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình; cơ quan nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử. Ngoài ra, Luật quy định về trách nhiệm có liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử

Điều 6 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) quy định 08 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, đó là:

Thứ nhất, cấm lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Thứ ba, thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

Thứ tư, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

Thứ năm, tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

Thứ sáu, gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

Thứ bảy, cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

Thứ tám, hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật./.

Hải Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Cơ quan chủ quản: THANH TRA THÀNH PHỐ TAM KỲ- TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ cơ quan: 70 Hùng Vương -Thành phố Tam Kỳ-  Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3810268
Chịu trách nhiệm nội dung: Thanh phố Tam Kỳ. 
Ghi rõ nguồn 'http://thanhtratamky.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.