14:21 EDT Chủ nhật, 19/05/2024

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức » Tin pháp luật

Quang cao giua trang

BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 23/2020 Tổng hợp các văn bản được ban hành từ ngày 25/5 đến – 31/5/2020

Chủ nhật - 31/05/2020 09:32
Biên soạn, tổng hợp: Phòng Tư pháp thành phố Tam Kỳ

Website: http://tuphaptamky.gov.vn
Facebook: tuphaptamky
Fanpage: https://www.facebook.com/tuphaptamky.gov.vn/
 
1. Mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tối thiểu là 0,3%
Ngày 27/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 58/2020/NĐ-CP về việc quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,   có hiệu lực từ ngày 15/07/2020.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bình thường là 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (áp dụng đối với cả công chức, viên chức lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước...). Trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định thì có để áp dụng mức đóng thấp hơn là 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Doanh nghiệp được phép áp dụng mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức đóng bình thường (0,3%) nếu trong 03 năm liền trước năm đề xuất: không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội; báo cáo định kỳ tai nạn lao động, an toàn, vệ sinh lao động, chính xác, đầy đủ, đúng hạn và có tần suất tai nạn lao động giảm từ 15% trở lên so với trung bình của 03 năm liền trước năm đề xuất.
2. Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế và trả các loại phí
Ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài,   có hiệu lực từ ngày 25/5/2020.
Cụ thể, vốn vay ODA, vay ưu đãi được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, mua sắm ô tô (trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định), vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành; chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí hoạt động của Ban Quản lý dự án.
3. Vẫn tổ chức thi hành án nếu người được triệu tập cố tình vắng mặt
Đây là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 55/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án đối với pháp nhân thương mại, có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự phải gửi giấy triệu tập đến người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để thực hiện việc thông báo và yêu cầu thi hành án.
Trường hợp người được triệu tập không thể có mặt theo yêu cầu triệu tập vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải báo cáo bằng văn bản và được cơ quan thi hành án hình sự chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án hình sự lùi buổi làm việc sang thời điểm khác nhưng không được quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án.
Đáng chú ý, trường hợp người được triệu tập cố tình không có mặt theo đúng thời hạn triệu tập thì cơ quan thi hành án hình sự lập biên bản vắng mặt và vẫn tiếp tục tổ chức thi hành án.
4. Giai đoạn COVID-19: Nộp bản chụp, bản scan C/O vẫn có thể được thông quan
Ngày 27/5/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 47/2020/TT-BTC về việc quy định về thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ và hình thức chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus Corona (COVID-19).
Cụ thể, trường hợp hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ như sau:
Thứ nhất, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sử dụng chữ ký và con dấu điện tử (Cơ quan hải quan chấp nhận với điều kiện cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu có thông báo về việc cấp C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử và cung cấp trang thông tin điện tử để tra cứu C/O hoặc phương thức tra cứu khác về C/O).
Thứ hai, bản chụp/bản scan C/O (Cơ quan hải quan chấp nhận với điều kiện cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu thông báo về việc sử dụng bản chụp/bản scan của bản chính C/O và cung cấp bản chụp/bản scan C/O hoặc trang thông tin điện tử hoặc phương thức kiểm tra khác cho cơ quan hải quan để xác định tính hợp lệ của C/O).
Đáng chú ý, trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 38/2018/TT-BTC, người khai hải quan được nộp bản chụp/bản scan C/O cho cơ quan hải quan để được thông quan hàng hóa. Người khai hải quan chịu trách nhiệm nộp lại 01 bản chính C/O trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/01/2020, áp dụng cho các tờ khai hải quan nhập khẩu đăng ký từ ngày 23/01/2020.
5. Chưa bắt buộc lắp điều hòa cho phòng học bộ môn
Ngày 26/5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT ban hành Quy định phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông,  có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/07/2020.
Theo quy định, diện tích làm việc tối thiểu của phòng học bộ môn được tính trên cơ sở diện tích làm việc tối thiểu cho một học sinh. Với trường tiểu học diện tích phòng không nhỏ hơn 50m2; Trung học cơ sở, trung học phổ thông diện tích không nhỏ hơn 60m2.
Các cơ sở giáo dục phổ thông phải có tối thiểu 01 phòng thiết bị giáo dục để cất giữ, bảo quản và chuẩn bị thiết bị dạy học cho các môn học không có phòng học bộ môn. Diện tích tối thiểu phòng thiết bị giáo dục không nhỏ hơn 48 m2.
Yêu cầy kỹ thuật của phòng học bộ môn phải được bố trí hệ thống thông gió tự nhiên và nhân tạo. Đối với các phòng học bộ môn Khoa học tự nhiên, Vật lí, Hóa học, Sinh học được lắp đặt các thiết bị như tủ sấy, tủ hút, hệ thống thoát khí thải, mùi, hơi độc. Căn cứ vào điều kiện của cơ sở giáo dục phổ thông, nhà trường trang bị máy điều hòa không khí cho phòng học bộ môn.
6. Công trình phục vụ hoạt động chăm sóc trẻ em cao tối đa 03 tầng
Ngày 26/5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học,   có hiệu lực từ ngày 11/7/2020.
Theo đó, các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em tại trường mầm non chỉ được cao tối đa 03 tầng và phải bảo đảm điều kiện cho trẻ em khuyết tật sử dụng được. Tổng diện tích đất sử dụng để xây trường sẽ được xác định dựa trên số nhóm, lớp, số trẻ em với mức bình quân là 12m2/trẻ. Trong trường hợp quỹ đất hạn chế tại các khu vực miền núi, trung tâm đô thị thì mức tối thiểu là 10m2/trẻ.
Mặt khác, Thông tư cũng quy định trường mầm non phải có quy mô tối thiểu là 09 nhóm, lớp và tối đa là 20 nhóm, lớp. Đối với các khu vực khó khăn, vùng sâu, xa thì trường phải có quy mô tối thiểu là 05 nhóm, lớp. Các điểm trường có thể được bố trí tại các địa bàn khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương. Tuy nhiên một địa phương chỉ được bố trí tối đa là 05 điểm trường, đối với các xã thuộc vùng khó khăn thì được bố trí tối đa 08 điểm trường.
7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Giáo dục và Đào tạo
  Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 12/2020/TT-BGDĐT về việc hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, có hiệu lực từ ngày 07/7/2020.
.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 13 Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định 135/2018/NĐ-CP  sửa đổi Nghị định 46, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau: thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật khi được ủy quyền
8. Hai hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự
Ngày 27/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 59/2020/NĐ-CP về việc quy định cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự,   có hiệu lực từ ngày 05/6/2020.
Theo đó, cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự chỉ được khai thác, sử dụng qua mạng máy tính nội bộ và thông qua văn bản hoặc phiếu đề nghị cung cấp. Đối tượng được khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự bao gồm: Cơ quan xây dựng, thu thập, cập nhật thông tin và duy trì cơ sở dữ liệu khai thác dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của mình; cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cung cấp thông tin về người, pháp nhân thương mại chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp…
Ngoài việc lưu trữ bằng hồ sơ giấy, tài liệu, dữ liệu thi hành án hình sự còn được lưu trữ dưới dạng điện tử, thông qua việc số hóa hồ sơ chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp và tài liệu nghiệp vụ bằng giấy… Khi có có sự sai lệch về nội dung giữa 02 dạng dữ liệu này, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự phải tiến hành kiểm tra, xác minh để điều chỉnh lại.
9. Cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước
Ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 79/NQ-CP,   quyết nghị danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019 gồm 80 nước: Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Cộng hòa Liên bang Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Phần Lan, Pháp, Trung Quốc,...
Danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25/11/2019, bao gồm: 8 cửa khẩu đường hàng không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.
          10. Sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao tay nghề
Ngày 29/5/00, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực 15/7/020. Theo đó, Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 quy định Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, cụ thể: Gặp khó khăn thuộc các trường hợp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 30 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng dưới 200 lao động; từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 200 đến 1000 lao động; từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 1000 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 01 tháng. Những trường hợp được coi là bất khả kháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm, bao gồm:
- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại;
- Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời  hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Cơ quan chủ quản: THANH TRA THÀNH PHỐ TAM KỲ- TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ cơ quan: 70 Hùng Vương -Thành phố Tam Kỳ-  Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3810268
Chịu trách nhiệm nội dung: Thanh phố Tam Kỳ. 
Ghi rõ nguồn 'http://thanhtratamky.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.