Deprecated: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in /home/cusplxoy/public_html/includes/countries.php on line 10
Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật - Thanh tra thành phố Tam Kỳ
20:17 EDT Thứ hai, 29/04/2024

Trang nhất » Tin Tức » Phòng chống tham nhũng

Quang cao giua trang

Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Thứ ba - 05/09/2023 04:46
Tóm tắt: Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều chủ thể trong bộ máy nhà nước có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật với hình thức, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung, giá trị pháp lý khác nhau. Mỗi hình thức văn bản phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành nhất định. Vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật cần được quan tâm nghiên cứu đảm bảo quyền lực nhà nước được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực từng bước hoàn thiện, phù hợp với chủ trương của Đảng, tuân thủ những nguyên tắc nhất định và phải có giải pháp đồng bộ.
Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật

1. Chủ thể có thẩm quyền xây dựng pháp luật
Xây dựng pháp luật (XDPL) là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng của Nhà nước, các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội[1]. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật[2]; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có nhiệm vụ và quyền hạn ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao[3]; Chủ tịch nước, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯMTTQVN) và cơ quan trung ương của các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước UBTVQH; đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, UBTVQH[4]; Chủ tịch nước có nhiệm vụ, quyền hạn công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh[5]; Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn đề xuất, xây dựng, trình dự án luật trước Quốc hội và trình dự án pháp lệnh trước UBTVQH[6]; đồng thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật[7]Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay bao gồm: Hiến pháp; Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH với Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQVN; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQVN; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; thông tư của Chánh án TANDTC;thông tư của Viện trưởng VKSNDTC; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thôngtư liên tịch giữa Chánh án TANDTC với Viện trưởng VKSNDTC; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Nghị quyết của HĐND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Quyết định của UBND cấp huyện; Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã); Quyết định của UBND cấp xã[8].
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều chủ thể trong bộ máy nhà nước có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ban hành văn bản quy phạm pháp luật với hình thức, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung, giá trị pháp lý khác nhau và mỗi hình thức văn bản phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành nhất định.
Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam trong giai đoạn mới đánh giá: Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng thống nhất chủ trương, giải pháp hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật (XDPL) nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã xác định: Chú trọng chống tiêu cực ngay trong công tác XDPL, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
2. Việc thực hiện kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật
Trước hết, chúng ta cần làm rõ về mặt khoa học các vấn đề về XDPL; kiểm soát quyền lực; lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong XDPL, để từ đó đưa ra các nguyên tắc chung nhất nhằm kiểm soát quyền lực để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong XDPL, theo đó:
XDPL được hiểu là hoạt động của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc lập chương trình XDPL, soạn thảo, trình, tham gia góp ý, phản biện xã hội, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác XDPL là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm để cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác XDPL thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc lập chương trình XDPL, soạn thảo, trình, tham gia góp ý, phản biện xã hội, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.
Lợi ích nhóm thể hiện qua hành vi của người có thẩm quyền trong công tác XDPL là hành vi cố ý lồng ghép, cài cắm trong văn bản quy phạm pháp luật lợi ích của một nhóm người hoặc của cơ quan, tổ chức, địa phương, có tính chất là lợi ích cục bộ, không chính đáng, không hợp pháp, mâu thuẫn với lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tham nhũng trong công tác XDPL là hành vi của người có thẩm quyền trong công tác XDPL đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao vì vụ lợi trong công tác XDPL.
Tiêu cực trong công tác XDPL là hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người có thẩm quyền trong công tác XDPL, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, dẫn đến việc làm trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của tổ chức trong công tác XDPL, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Muốn hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, cần xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền. Quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp; của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước. Hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phát huy hơn nữa vai trò của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan báo chí trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác XDPL và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.
Để kiểm soát quyền lực để phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL, cần phải tuân thủ các nguyên tắc: (i) Phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực; (ii) Phải bảo đảm kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; xử lý công minh, chính xác, kịp thời, khách quan, toàn diện, căn cứ vào quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại thời điểm xảy ra vi phạm; bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm. Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật; (iii) Phải bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác XDPL; (iv) Phải bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục, tiến độ, thời hạn, chất lượng trong công tác XDPL; không làm cản trở sự chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác XDPL; (v) Phải bảo đảm sự tham gia XDPL và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác và Nhân dân theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; (vi) Phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong công tác XDPL.
Đồng thời, chúng ta phải nhận diện rõ được các hành vi lợi ích nhóm tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL là những hành vi có tính chất phổ biến nào, chẳng hạn như các hành vi: (i) Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung “lợi ích nhóm”; có “tư duy nhiệm kỳ”, chạy theo mục tiêu trước mắt, trong ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, cho “lợi ích nhóm” mà bỏ qua những mục tiêu, lợi ích dài hạn của tập thể, cộng đồng và đất nước; cố ý trì hoãn việc bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật vì mục đích “lợi ích nhóm”; tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác XDPL để ban hành chính sách pháp luật có “lợi ích nhóm”; (ii) Lạm quyền, lộng quyền, cơ hội, vụ lợi, cấu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi trong công tác XDPL và các hành vi tham nhũng khác theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng trong công tác XDPL; (iii) Cố ý không chấp hành nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác XDPL; (iv) Chủ trì ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản có nội dung trái với chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc có nhiều sơ hở, bị lợi dụng gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân; không thực hiện, thực hiện không đúng chủ trương, đường lối, quy định của Đảng trong công tác XDPL; (v) Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng; nể nang, né tránh, ngại va chạm, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể trong công tác XDPL; (vi) Quan liêu, không sâu sát công việc, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng trong công tác XDPL; (vii) Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng, Nhà nước trong công tác XDPL; (viii) Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập trong công tác XDPL; lợi dụng việc phản ánh, góp ý kiến, phản biện xã hội trong công tác XDPL để chống phá Đảng và Nhà nước; (ix) Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực; bao che, không báo cáo, phản ánh, không xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, địa phương do mình trực tiếp quản lý trong công tác XDPL; (x) Sử dụng trái quy định tài chính, tài sản công, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ trong công tác XDPL.
Các hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác XDPL bao gồm: (i) Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng; (ii) Hoạt động kiểm soát quyền lực lẫn nhau của các cơ quan thông qua việc thực hiện thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong công tác XDPL; (iii) hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật; (iv) Hoạt động kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền; (v) Hoạt động tham gia ý kiến, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội khác.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các hoạt động kiểm soát quyền lực trong XDPL.
Cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác XDPL phải thực hiện các hoạt động đó là: (i) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nguyên tắc, quy định về công tác XDPL; lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định của Đảng về công tác XDPL nhằm bảo đảm trình tự, thủ tục chặt chẽ, khoa học, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; (iii) Báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng đối với các vấn đề lớn như: (i) Dự kiến những định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, định hướng chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm trước khi trình Quốc hội thông qua; (ii) Quan điểm và nội dung về một số vấn đề cơ bản còn có ý kiến khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách mới, quan trọng của Đảng trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Quan điểm và nội dung về một số vấn đề cơ bản còn có ý kiến khác nhau liên quan đến thể chế chính trị, thể chế kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; (iv) Những vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;(v) Thường xuyên tự kiểm tra và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc, cơ quan cấp dưới và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trong công tác XDPL. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL; (vi) Bảo vệ và khen thưởng kịp thời tổ chức, cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm trong công tác XDPL; (vii) Lãnh đạo, chỉ đạo việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, công chức làm công tác XDPL; miễn nhiệm, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với những người có năng lực chuyên môn không đáp ứng yêu cầu hoặc thiếu khách quan, minh bạch trong công tác XDPL; (viii) Cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL; (ix) Chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về việc lãnh đạo cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo đảm tiến độ, chất lượng, tuân thủ trình tự, thủ tục trong công tác XDPL; chịu trách nhiệm khi để xảy ra “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.
Thành viên cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác XDPL có trách nhiệm: (i) Thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trong công tác XDPL; (ii) Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác XDPL; (iii) Thể hiện rõ chính kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, được bảo lưu ý kiến trong công tác XDPL. Chịu trách nhiệm cá nhân và chịu trách nhiệm liên đới cùng với cấp ủy, tổ chức đảng khi để xảy ra “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý.
Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác XDPL phải thực hiện trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng và còn phải thực hiện: (i) Lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện trách nhiệm của cấp ủy; (ii) Chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên đối với việc chỉ đạo trong công tác XDPL; (iii) Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ trong công tác XDPL thuộc cơ quan, tổ chức mình. Kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác XDPL phải thực hiện trách nhiệm: (i) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác XDPL; (ii) Chỉ đạo báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung thực cho cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với những nội dung quan trọng, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; (iii) Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác XDPL trong cơ quan, tổ chức; xử lý các trường hợp xung đột lợi ích trong công tác XDPL theo quy định; kịp thời phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL; (iv) Chỉ đạo tổ chức việc kiểm tra, giám sát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật theo thẩm quyền; (v) Phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình chịu trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác XDPL; (vi) Chịu trách nhiệm về việc cơ quan, tổ chức mình không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác XDPL cả về tiến độ trình và chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, đề xuất trong công tác XDPL phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác XDPL; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tình hình thực tiễn về các vấn đề có liên quan đến chính sách mà mình tham mưu, đề xuất; bảo đảm khách quan, minh bạch, công tâm, chính xác, thận trọng, chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất về công tác XDPL; chịu trách nhiệm về nội dung tham mưu, đề xuất của mình trong công tác XDPL; kịp thời báo cáo lãnh đạo xử lý trong trường hợp biết hoặc buộc phải biết có xung đột lợi ích khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác XDPL và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi phát hiện các nội dung của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm phát hiện, lắng nghe ý kiến của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị, tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL, bao che, tiếp tay cho hành vi “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác XDPL.
Việc tổ chức Đảng, đảng viên, thành viên cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy Đảng và cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm soát quyền lực trong XDPL và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có sai phạm phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước./.  
[1] Khoản 1 Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
[2] Điều 69 và Điều 70 Hiến pháp năm 2013.
[3] Khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013.
[4] Khoản 2 Điều 84 Hiến pháp năm 2013.
[5] Khoản 1 Điều 88 Hiến pháp năm 2013.
[6] Khoản 2 Điều 84 Hiến pháp năm 2013.
[7] Điều 100 Hiến pháp năm 2013.
[8] Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (480), tháng 04/2023.)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Cơ quan chủ quản: THANH TRA THÀNH PHỐ TAM KỲ- TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ cơ quan: 70 Hùng Vương -Thành phố Tam Kỳ-  Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại: 0235.3810268
Chịu trách nhiệm nội dung: Thanh phố Tam Kỳ. 
Ghi rõ nguồn 'http://thanhtratamky.gov.vn' khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.